CHÀM SỮA: DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH CHĂM SÓC BÉ

Chàm sữa hay còn được gọi là lác sữa là chứng bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới hai tuổi, mặc dù bệnh không gây nguy hiểm cho trẻ nhưng nếu để tái phát nhiều lần sẽ tạo thành chứng chàm thể tạng khó điều trị. Vậy làm sao để nhận biết và chăm sóc bé bị chàm sữa đúng cách nhất?

1. Chàm sữa là gì?

    Chàm sữa hay còn có tên gọi khác là lác sữa, đây là bệnh với đặc điểm ngứa và tổn thương dạng chàm, thường gặp ở trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi. Theo thống kê y khoa, có đến 20% tổng số trẻ sau khi sinh mắc chứng bệnh này kể cả trẻ khỏe mạnh. Chàm sữa mặc dù không lây và không quá nguy hiểm đến trẻ tuy nhiên bệnh dễ tái phát nhiều lần và có nguy cơ tiến triển thành chàm thể tạng gây khó khăn trong quá trình điều trị và có nguy cơ để lại sẹo ảnh hưởng đến thẩm mỹ sau này.

    Chàm sữa thường xuất hiện ở hai bên má trẻ và lan dần ra chân tay và toàn cơ thể, ban đầu chàm sữa là những nốt hồng nhỏ nhưng sau đó sẽ dần dần chuyển thành mụn nước màu đỏ, khi vỡ ra sẽ tiết dịch, có vảy và bong tróc.

Chàm sữa được phân ra thành 3 loại:

  • Chàm sữa cấp tính: Xuất hiện các mụn nước màu hồng, có thể vỡ ra và gây ngứa ngáy khó chịu.
  • Chàm sữa mạn tính: Tổn thương trên một vùng da rộng và dày, da trẻ trở nên khô ráp, tróc vảy tạo thành nhiều rãnh ngang dọc.
  • Chàm sữa bán cấp: Tổng hợp của hai loại trên.

2. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

- Yếu tố môi trường đóng vai trò động lực:

     + Ô nhiễm môi trường

     + Các dị nguyên có trong bụi nhà, lông súc vật, quần áo, đồ dùng gia đình...

- Yếu tố di truyền: Khoảng 60% bố hoặc mẹ mắc thì con bị bệnh này, nếu cả bố và mẹ cùng bị bệnh thì con có đến 80% bị bệnh.

3. Dấu hiệu nhận biết chàm sữa

Việc nhận biết sớm tình trạng cơ thể trẻ có phải bị chàm sữa hay không sẽ giúp cha mẹ sớm có phương án điều trị cũng như chăm sóc bé đúng cách để tránh bệnh tái phát liên tục tạo thành bệnh chàm thể tạng. Nhìn chung trẻ bị chàm sữa sẽ có những dấu hiệu nhận biết như sau:

  • Hai má hoặc tay chân trẻ xuất hiện những nốt mẩn đỏ và chuyển dần sang mụn nước màu đỏ;
  • Các mụn nước đó vỡ ra, đóng mày và tróc vảy;
  • Khi cha mẹ chạm vào vùng da bị chàm sữa thường có cảm giác thô ráp và có những vảy nhỏ ti li;
  • Chàm sữa thường xuất hiện ở những vùng da hay bị gập lại như cổ tay, khuỷu tay, sau đầu gối, mu bàn tay...;
  • Trẻ thường biểu hiện khó chịu, ngủ không ngon giấc, quấy khóc và ăn ít đi;
  • Các nốt chàm sữa thường làm trẻ ngứa, vì vậy trẻ thường bứt rứt, gãi liên tục, đôi khi làm các vết chàm sữa vỡ ra gây chảy máu;
  • Trẻ thường có một số triệu chứng của viêm mũi hoặc hen suyễn.

4. Điều trị và chăm sóc bé bị chàm sữa đúng cách

     Thông thường chàm sữa sẽ thuyên giảm và dần dần biến mất sau vài tuần, các trường hợp bệnh kéo dài đến tận khi trẻ 4 tuổi mà vẫn chưa khỏi thì có thể bệnh đã tiến triển thành chàm thể tạng.

   Để điều trị chàm sữa hiệu quả, cha mẹ cần hạn chế trẻ tiếp xúc với các nguồn dễ khiến bé lây nhiễm đồng thời chăm sóc da bằng các sản phẩm có tác dụng cải thiện da bé hằng ngày.

   Cách tốt nhất là cha mẹ không nên tự điều trị tại nhà, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc cho trẻ đi khám da liễu, sử dụng thuốc bôi theo đơn kê của bác sĩ. Tuyệt đối không được sử dụng các loại lá hay đắp thuốc theo kinh nghiệm dân gian khiến tình trạng bệnh trở nên nặng nề hơn.

   Đi đôi với việc điều trị chàm sữa cho trẻ, nếu cha mẹ chăm sóc trẻ bị chàm sữa đúng cách sẽ khiến tình trạng bệnh thuyên giảm và không tái phát lại nhiều lần. Sau đây là những điểm cần lưu ý khi chăm sóc trẻ bị chàm sữa:

  • Chế độ dinh dưỡng: Nên duy trì cho trẻ uống sữa từ lúc mới sinh đến 6 tháng tuổi, sau 6 tháng tuổi cha mẹ mới nên đa dạng các loại thức ăn cho trẻ. Nên tránh cho trẻ ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, thực phẩm lên men... Nếu muốn cho trẻ ăn thì cho ăn ít một và quan sát xem trẻ có bị dị ứng với loại thức ăn nào hay không.
  • Vệ sinh cá nhân cho trẻ: Nên tắm cho trẻ bằng nước ấm, hạn chế sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm. Nếu muốn sử dụng thì nên chọn những loại sữa tắm không gây kích ứng da, phù hợp với làn da của trẻ sơ sinh. Luôn giữ cơ thể bé khô thoáng, thay tã thường xuyên và sử dụng các loại trang phục bằng chất liệu mềm mại, không gây tổn thương da
  • Môi trường xung quanh trẻ: Thoáng mát, đủ độ ẩm cần thiết, thường xuyên vệ sinh chăn gối của trẻ. Có thể hạn chế trẻ tiếp xúc với chó mèo và đặc biệt không tiếp xúc nếu trẻ đang bị chàm sữa